MƯỜI HÃNG TÀU CONTAINER LỚN NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

Dưới đây là Top 10 hãng tàu container lớn nhất thế giới, tính theo sức chở bằng TEU. Đây là số liệu được cập nhật vào tháng 01 năm 2012.
Theo ước tính, hiện nay trên thế giới có khoảng 4942 tàu container chuyên dụng với sức chở tổng cộng khoảng 15,706,759 TEU.



VA CHẠM, TÀU TRƯỜNG HẢI STAR BỊ CHÌM TẠI BÀ RỊA

Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 9.4, tàu Trường Hải Star (quốc tịch Việt Nam) chở khoảng 66 containers hàng hóa trong lúc hành trình về TP.HCM đã xảy ra va chạm với tàu Krairatch Dignity (quốc tịch Thái Lan), tải trọng 40.000 tấn.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, nhận thấy tàu container Trường Hải Star có khả năng chìm nên Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã hướng dẫn tàu rời khỏi luồng hàng hải và chạy vào cạn để cứu người.

Đến 2 giờ 40 phút ngày 10.4, khi tàu chạy tới giữa 2 vị trí neo đậu D5 và D6 thì chìm hoàn toàn, tại khu vực Bãi Trước, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Toàn bộ 16 thuyền viên trên tàu đã được các tàu khác cứu vớt và đưa vào bờ chăm sóc sức khỏe.

Trong số 66 containers trên tàu thì chỉ có 26 containers chứa hàng, là ô tô và phụ tùng ô tô. Khoảng 25 containers đã rơi ra khỏi tàu và trôi dạt.
Đến 10 giờ cùng ngày, các tàu cứu hộ đã tìm thấy 22 container, trong đó 10 container có hàng. Tất cả được lai dắt vào vị trí khu vực Sao Mai - Bến Đình (Vũng Tàu).

Đến 9 giờ cùng ngày, đã có hơn 10 container được các tàu khác vớt và lai dắt vào vị trí khu vực Sao Mai - Bến Đình (TP.Vũng Tàu).
Theo cơ quan chức năng, có 25 container trên tàu Trường Hải Star bị rơi ra khỏi tàu và trôi dạt.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Cảng vụ nội địa Vũng Tàu đã không cấp phép cho 6 chuyến tàu cánh ngầm đi tuyến Vũng Tàu - TP.HCM xuất bến do sự sợ va chạm container trôi dạt trên biển. Tuy nhiên, đến 10 giờ cùng ngày, hoạt động của các tàu cánh ngầm đã trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã dùng phao vây xung quanh tàu Trường Hải Star phòng sự cố tràn dầu từ tàu ra môi trường.

Tàu Trường Hải Star là một trong 2 tàu mang tên Trường Hải Star (I và II) của công ty cổ phần ô tô Trường Hải, do công ty TNHH sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai - Trường Hải khai thác. Tàu đang trong hành trình vận chuyển hàng hóa (ô tô và phụ kiện) cho công ty từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) đến cảng TPHCM và ngược lại.
Tàu Trường Hải Star dài 85,5m, rộng 12,98m, chiều cao mạn 6,85m, mớn nước 5,6m, trọng tải 3582 DWT (tấn), dung tích 2264 GRJ, công suất 1.800 CV, tốc độ trung bình 12 hải lý/giờ.

Điều trùng hợp là cách đây hơn 1 năm (tháng 02.2011), một con tàu du lịch cũng mang tên Trường Hải (Trường Hải 06), đã đắm tại Vịnh Hạ Long, làm thiệt mạng 12 du khách. Xem ra, những chủ tàu duy tâm có thể cân nhắc về cái tên "Trường Hải" khi đặt tên cho tàu rồi!

Một số hình ảnh về vụ tai nạn:
Tàu Trường Hải Star khi ở cảng Kỳ Hà

Vớt containers trôi dạt

Những gì của con tàu thấy được trên mặt biển

Lai dắt containers về bến

Vị trí tàu bị đắm

TỪ LINGUISTICS ĐẾN LOGISTICS

(Trần Ngọc Châu) - Tiếp cận từ hướng “ngữ học” (linguistics) cũng cho lô-gi-sti vài điều nhân buổi “trà dư”.

"... Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”

Tôi muốn trích dẫn đoạn văn này vì hầu như ai cũng biết và vì nó chẳng có hơi hám gì của chuyện kinh doanh. Nhưng tôi tin rằng khái niệm logistics đầu tiên mà tôi hiểu cũng giống như người mẹ đưa con đến trường. Hẳn bà đã suy nghĩ rất nhiều, lo lắng rất nhiều cho ngày trọng đại đó. Bà đã “tính toán” mọi chi tiết liên quan để cho “ngày đầu tiên đến trường” của con là một ngày mỹ mãn. Bà đã “sử dụng” con đường làng (dài và hẹp trong mắt cậu bé), nhưng với người mẹ đó là con đường “tối ưu” đến chân trời tri thức mà không một bậc phụ huynh nào không mơ ước cho con. Không chỉ con đường, quyển vở, hàng cây hay cây thước vật chất mà bà còn truyền cho cậu bé tất cả sự âu yếm yêu thương. Khi cậu đã cảm nhận được sự âu yếm của mẹ, cậu sẽ không còn sợ hãi - hay nếu có thì cậu cũng đủ can đảm vượt qua. Bà truyền cho cậu bé cả tâm hồn và nhận thức rằng cậu đang bắt đầu một sự thay đổi lớn.Vâng, nếu bạn là một CEO hay một chuyên gia logistics bạn sẽ thấy buồn cười, thậm chí cho là ngớ ngẩn, khi đưa khái niệm logistics hiện đại vào một bài văn giáo khoa đã cũ.

Tôi không nhớ ai đó đã viết, rằng trong những yếu tố làm cho một thương vụ thành công hay đạt hiệu quả, thì logistics là những công đoạn liên quan đến con người nhất (sở dĩ tôi tìm kiếm thông tin về logistics vì phải phỏng vấn ông giám đốc một hãng dịch vụ vận chuyển hàng không trong một chương trình truyền hình của FBNC).

Không có “chi tiết bao trùm” đó - như sự âu yếm của người mẹ - thì tất cả yếu tố logistics khác như con đường, thước, vở, ngôi trường, kể cả ông đốc (hiệu trưởng) và thầy giáo lớp năm (lớp 1 bây giờ), vẫn chỉ là những chi tiết rời rạc, không tạo thành một cuộc hành trình gần như bất tử.

Trong ngữ học, tự điển Latin PIE, cho rằng logistics là một sự quản lý tất cả chi tiết của một cuộc hành quân. Khái niệm “quân” ở đây bắt nguồn từ việc logistics được dùng cho khoa học quân sự. Nhưng liệu tôi có thể dịch chữ “operation” này thành “hành trình”; “giải phẫu”; “công việc” hay “thương vụ”? Chắc là không có vấn đề… Như vậy logistics là quản trị các chi tiết liên quan đến sự di chuyển nhằm đến đích một cách tối ưu. Logistics đòi hỏi sự tối ưu, nhưng điều thú vị là nó không đòi hỏi sự rõ ràng. Tôi nhớ lúc mới học vỡ lòng tiếng Anh, một trong những từ “vừa số ít vừa số nhiều” là từ logistics. Vì vậy bạn đừng cho điểm 0 khi thấy ai đó nói tiếng Anh: Logistics is…, mặc dù tiếp vĩ ngữ s là đại diện cho “từ 2 trở lên” (nghĩa là sốnhiều). Nhưng khác với các từ số ít khác như semantics, physics, economics (ngữ học, vật lý học, kinh tế học) chỉ dùng với số ít (trong trường hợp này tiếp vĩ ngữ s chỉ để phân biệt với tính từ (semantic, physic, economic…), thì logistics hoàn toàn có thể dùng số nhiều: logistics are… bởi vì, về mặt ngữ học, nó chỉ nhiều hoạt động hay hành động khác nhau.

Có thể bạn sẽ không đồng ý khi tôi kể thêm rằng, nguyên gốc của chữ logistics trong tiếng Latin Trung cổ là logisticus có liên quan “đo đếm”, “tính toán” nghĩa là nhiều, ít phải rõ ràng. Tuy vậy, sự rõ ràng trong logisticus phải nhượng bộ cho sự hợp lý (logic): Logistics là tổng hợp những bước đi hợp lý nhằm thực hiện một hành động phức tạp. Kinh doanh không bao giờ là đơn giản. Nhưng logistics không chỉ dành cho kinh doanh mà nó chan hòa trong tất cả mọi hoạt động của con người từ khi con người biết tính toán. Ví dụ: logistics cho Đại hội Đảng lần thứ XI không phải chỉ là vận chuyển đại biểu, lo hội trường, ăn ở, đi lại mà còn lo cả văn kiện, in ấn, truyền thông, xây dựng lòng tin, hy vọng , dự báo thời tiết và dự báo sự thành công của đại hội… Chính trị (politics) còn cần logistics hơn cả kinh doanh.

Cũng trong những bài học vỡ lòng tiếng Anh, thầy giáo hay đưa ra ví dụ: “Chỉ vì logistics, Lan không thể đi dự dạ hội tối nay”. Học trò tưởng thầy muốn nói Lan không có xe hay bị kẹt xe, nhưng thầy nói thêm: ”Nhà Lan không có khả năng sắm áo đầm dạ hội cho Lan”. À, té ra logistics còn có nghĩa là “nhà Lan nghèo”. Rồi thầy lại cho ví dụ nữa: ”Ở trường, Hùng là “trùm” trong logistics các bạn gái”. Cả lớp cười ồ vì Hùng chẳng có xe hơi hay xe gắn máy mà chỉ “quanh năm cuốc bộ”. Thầy nói tiếp: ”Hùng rất giỏi thuyết phục cha mẹ các bạn gái để các cụ tin mà cho phép đưa con gái họ đi chơi và đưa về nhà”. Logistics của Hùng là “tạo lòng tin”.

Một nhà báo như chúng tôi tất nhiên không phải là một nhà logistics, nhưng vì có nhiều bạn làm trong ngành vận tải hàng hóa mà códịp tìm hiểu logistics. Khi tôi đưa ra lý do này (hay vài chú thích bên dưới) để bạn đọc có thể chia sẻ nhiều hơn, có nghĩa là tôi đã áp dụng logistics cho bài báo ngắn nhưng không đơn giản của tôi.

Ai bảo tiếng Việt nghèo thuật ngữ? Chỉ chữ logistics thôi ta đã có cơ man từ Việt, nào là “tiếp vận”, “kho vận”, “quân tiếp vụ”, “hậu cần” và bây giờ trong Bộ luật Thương mại (điều 133) có ghi theo phiên âm: “Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stí”. Mấy ông bạn chúng tôi ở Công ty Sotrans (Kho vận miền Nam) nói đùa: lo-đi-một-tí. Nghe cũng dễ nhớ, mà như trên đã nói, “tí” hay ”nhiều” trong chữ logistics cũng không cần rõ ràng, nhất là thời kinh doanh hiện đại – kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường bền vững với phương châm: less is more (*).

Logistics vừa đơn giản, vừa phức tạp, vừa đếm, vừa không đếm được, vừa cổ điển, vừa hiện đại, thật là nhức đầu, vậy tốt nhất là quay trở lại “vừa học vừa làm”, với những bài học đầu tiên. “Hôm nay tôi… vẫn đi học”…

(*) “Less is more”, một câu thơ nổi tiếng của Nhà thơ Robert Browing viết từ năm 1855. Người Việt Nam chúng ta cũng hay nói: “Ăn ít no lâu”.

LẠI LẬT XE CONTAINER TRÊN CẦU VƯỢT CÁT LÁI

SGTT.VN – Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 11.8, trong khi đang lưu thông trên cầu vượt Cát Lái (nhánh rẽ vào cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM), một xe đầu kéo container bất ngờ bị lật nhào xuống thành cầu.




Đây là vụ lật xe container thứ ba từ khi cầu vượt Cát Lái đưa vào sử dụng

Tại hiện trường, đầu kéo và thùng container lật úp về phía bên phải xe. Toàn thân container nằm gọn dưới lòng đường mặt cầu. Một đoạn thành cầu dài khoảng 10m bị thùng container đè hư hỏng nặng. Rất may, chiếc container không rơi khỏi thành cầu – nơi phía dưới có nhiều phương tiện đang lưu thông.

Vụ tai nạn khiến tài xế container bị thương nặng, hóa chất từ thùng container chảy lênh láng trên mặt cầu.




Chiếc container bị lật đã đè hư hỏng một đoạn thành cầu khoảng 10m

Đây là vụ lật container thứ ba liên tiếp kể từ khi hai nhánh cầu vượt Cát Lái đưa vào sử dụng (15.8.2010). Cả ba vụ lật container trên đều xảy ra ở cùng một vị trí giữa cầu của nhánh cầu hướng vào cảng Cát Lái.

Sau việc lật container lần thứ hai (ngày 26.7), ngày 2.8 vừa qua, sở Giao thông vận tải TP.HCM có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương tìm nguyên nhân xảy ra các vụ lật xe đầu kéo sơmi rơmoóc, lật thùng container trên cụm cầu vượt Cát Lái; rà soát hiện trạng, xác định các yếu tố kỹ thuật… để có biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông.

CHUYẾN ĐI BI THẢM CỦA MỘT CON TÀU VINALINES

SGTT.VN - Hành trình trong thời tiết xấu, tính toán sai điều kiện ổn định tàu, đưa ra những quyết định không lành nghề là ba nguyên nhân làm đắm tàu chở container Phú Tân thuộc Vinalines ngày 16.12.2010, làm chết và mất tích 24 người. Đó là kết luận mới đưa ra của Cảng vụ Hải Phòng.

Lúc 8h27 ngày 16.12.2010, thuyền trưởng tàu Phú Tân thuộc Vinalines phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Khi ấy, gió Đông Bắc đang cấp 8-9, biển động dữ dội, Phú Tân nghiêng mạnh về bên trái, máy chính ngừng hoạt động vì độ nghiêng lớn. 9h20', Phú Tân nghiêng 35 độ, tàu lật úp sang trái. Sau 3 giờ trôi dạt, Phú Tân chìm hoàn toàn cách vị trí lật khoảng 6 hải lý.

Chuyến hải hành cuối cùng trước khi bán làm sắt vụn

Một cuộc cứu hộ lớn được tung ra ngay khi Phú Tân yêu cầu cấp cứu. Kết quả của chiến dịch cứu hộ kéo dài 13 ngày, với sự tham gia của 14 tàu, 4 máy bay chỉ cứu được 3 thành viên thủy thủ đoàn. 24 người khác trên tàu đã chết hoặc mất tích, trong đó có cả thuyền trưởng. Đó là một vụ đắm tàu bi thảm.

Hạ thủy năm 1988 tại CHLB Đức, Phú Tân ban đầu mang tên Watergeus, được thiết kế để chạy trong vùng băng với 1 boong liên tục, 3 hầm hàng và 9 vách ngang kín nước. Tàu dài 156,85m, rộng 22,86 m, cao mạn 11,2 m, trọng tải 14.101 MT, sức chở 1020 TEU.

Tới tháng 8.2008, tàu được Vinalines mua về, đổi tên thành Phú Tân, và do Đăng kiểm Việt Nam phân cấp, giám sát. Chỉ 2 năm sau, tháng 12.2010, Vinalines bán Phú Tân lấy 112 tỷ đồng. Chuyến đi ngày 16.12.2010 là chuyến cuối cùng của Phú Tân, trước khi bàn giao để xẻ làm sắt vụn. Phú Tân đã đắm trong chuyến đi (cuối cùng) ấy.
Tại thời điểm đắm, Phú Tân chở theo 315 container, tương đương 6.668 tấn hàng hóa các loại trị giá hàng trăm tỷ đồng, với 25 thành viên thủy thủ đoàn và 2 hành khách.

Những cái lạ

Sau này, kết quả điều tra của Cảng vụ Hải Phòng đã cho thấy nhiều điều "lạ" về cách khai thác tàu Phú Tân. Cái "lạ" thứ nhất là kết luận thuyền trưởng Phạm Văn Hữu đã xem nhẹ việc lập kế hoạch chuyến đi, và không có chuẩn bị để ứng phó với thời tiết xấu trong khi hành trình, dù đã được thông báo.

Thứ hai, tính toán điều kiện ổn định tàu Phú Tân trước khi rời cảng Đà Nẵng là không chính xác. Chênh lệch giữa lượng giãn nước thực tế (18.670 tấn) với lượng giãn nước theo khai báo (15.861 tấn) lên tới 2.809 tấn. Nhưng tường trình của Đại phó tàu thì thể hiện thực tế phổ biến này của ngành vận tải biển: "đối với các tuyến nội địa, hầu hết khối lượng hàng thực tế thường lớn hơn khối lượng khai báo". Hiểu đơn giản, là thuyền viên Phú Tân không xác định được chính xác khối lượng hàng hóa tàu chở theo. Họ chỉ báo cáo cho đủ thủ tục để tàu được phép rời cảng. Điều lạ lùng là, Phú Tân vẫn được chứng nhận đủ điều kiện, phù hợp để đi biển

Xử lý thực tế này, thuyền viên tàu Phú Tân chọn giải pháp bơm nước vào các két dằn để đảm bảo độ cân bằng tàu khi khởi hành. Do vậy, khi gặp sóng gió mạnh bên mạn phải, tàu có xu hướng nghiêng về bên trái, nước trong két dồn theo càng gia tăng độ nghiêng của tàu. Sóng to theo đó tràn vào hầm hàng làm tăng độ nghiêng của tàu đến mức không còn khả năng hồi phục cân bằng.

Khi tàu đã nghiêng trái mạnh, thuyền trưởng Phú Tân cho bơm thêm khoảng 613 tấn nước để lấy lại cân bằng, nhưng lại làm mớn nước giảm thêm 22 cm, tức là gia tăng nguy cơ ngập nước của tàu. Thuyền trưởng thiếu kinh nghiệm tới mức không có quyết định phù hợp để đảm bảo cho tàu, hàng hóa và thuyền viên. Cảng vụ Hải Phòng đánh giá: “Nếu áp dụng đầy đủ hướng dẫn của Thông tư 1/Circ.1288 của Ủy ban an toàn Hàng hải quốc tế về hướng dẫn cho thuyền trưởng tránh tình huống nguy hiểm của thời tiết và sóng biển, thì có thể tai nạn tàu Phú Tân đã không xảy ra”.

Sự non kém của thuyền trưởng được "chốt" bằng sự thiếu kinh nghiệm của thuyền viên. Kết luận vụ đắm tàu cho thấy, khi máy chính bị ngừng đột ngột vì tàu nghiêng mạnh, thuyền viên đã quá hoảng loạn nên không có biện pháp phù hợp để khôi phục. Kết quả là tác động của sóng lại càng mạnh hơn, Phú Tân không thể thoát khỏi khu vực nguy hiểm và tai nạn đã xảy ra.

Như vậy, theo kết luận của cảng vụ Hải Phòng, tai nạn xảy ra do tàu Phú Tân đã bị điều khiển bởi sự chủ quan và thiếu kinh nghiệm của thủy thủ đoàn.