TỪ LINGUISTICS ĐẾN LOGISTICS

(Trần Ngọc Châu) - Tiếp cận từ hướng “ngữ học” (linguistics) cũng cho lô-gi-sti vài điều nhân buổi “trà dư”.

"... Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”

Tôi muốn trích dẫn đoạn văn này vì hầu như ai cũng biết và vì nó chẳng có hơi hám gì của chuyện kinh doanh. Nhưng tôi tin rằng khái niệm logistics đầu tiên mà tôi hiểu cũng giống như người mẹ đưa con đến trường. Hẳn bà đã suy nghĩ rất nhiều, lo lắng rất nhiều cho ngày trọng đại đó. Bà đã “tính toán” mọi chi tiết liên quan để cho “ngày đầu tiên đến trường” của con là một ngày mỹ mãn. Bà đã “sử dụng” con đường làng (dài và hẹp trong mắt cậu bé), nhưng với người mẹ đó là con đường “tối ưu” đến chân trời tri thức mà không một bậc phụ huynh nào không mơ ước cho con. Không chỉ con đường, quyển vở, hàng cây hay cây thước vật chất mà bà còn truyền cho cậu bé tất cả sự âu yếm yêu thương. Khi cậu đã cảm nhận được sự âu yếm của mẹ, cậu sẽ không còn sợ hãi - hay nếu có thì cậu cũng đủ can đảm vượt qua. Bà truyền cho cậu bé cả tâm hồn và nhận thức rằng cậu đang bắt đầu một sự thay đổi lớn.Vâng, nếu bạn là một CEO hay một chuyên gia logistics bạn sẽ thấy buồn cười, thậm chí cho là ngớ ngẩn, khi đưa khái niệm logistics hiện đại vào một bài văn giáo khoa đã cũ.

Tôi không nhớ ai đó đã viết, rằng trong những yếu tố làm cho một thương vụ thành công hay đạt hiệu quả, thì logistics là những công đoạn liên quan đến con người nhất (sở dĩ tôi tìm kiếm thông tin về logistics vì phải phỏng vấn ông giám đốc một hãng dịch vụ vận chuyển hàng không trong một chương trình truyền hình của FBNC).

Không có “chi tiết bao trùm” đó - như sự âu yếm của người mẹ - thì tất cả yếu tố logistics khác như con đường, thước, vở, ngôi trường, kể cả ông đốc (hiệu trưởng) và thầy giáo lớp năm (lớp 1 bây giờ), vẫn chỉ là những chi tiết rời rạc, không tạo thành một cuộc hành trình gần như bất tử.

Trong ngữ học, tự điển Latin PIE, cho rằng logistics là một sự quản lý tất cả chi tiết của một cuộc hành quân. Khái niệm “quân” ở đây bắt nguồn từ việc logistics được dùng cho khoa học quân sự. Nhưng liệu tôi có thể dịch chữ “operation” này thành “hành trình”; “giải phẫu”; “công việc” hay “thương vụ”? Chắc là không có vấn đề… Như vậy logistics là quản trị các chi tiết liên quan đến sự di chuyển nhằm đến đích một cách tối ưu. Logistics đòi hỏi sự tối ưu, nhưng điều thú vị là nó không đòi hỏi sự rõ ràng. Tôi nhớ lúc mới học vỡ lòng tiếng Anh, một trong những từ “vừa số ít vừa số nhiều” là từ logistics. Vì vậy bạn đừng cho điểm 0 khi thấy ai đó nói tiếng Anh: Logistics is…, mặc dù tiếp vĩ ngữ s là đại diện cho “từ 2 trở lên” (nghĩa là sốnhiều). Nhưng khác với các từ số ít khác như semantics, physics, economics (ngữ học, vật lý học, kinh tế học) chỉ dùng với số ít (trong trường hợp này tiếp vĩ ngữ s chỉ để phân biệt với tính từ (semantic, physic, economic…), thì logistics hoàn toàn có thể dùng số nhiều: logistics are… bởi vì, về mặt ngữ học, nó chỉ nhiều hoạt động hay hành động khác nhau.

Có thể bạn sẽ không đồng ý khi tôi kể thêm rằng, nguyên gốc của chữ logistics trong tiếng Latin Trung cổ là logisticus có liên quan “đo đếm”, “tính toán” nghĩa là nhiều, ít phải rõ ràng. Tuy vậy, sự rõ ràng trong logisticus phải nhượng bộ cho sự hợp lý (logic): Logistics là tổng hợp những bước đi hợp lý nhằm thực hiện một hành động phức tạp. Kinh doanh không bao giờ là đơn giản. Nhưng logistics không chỉ dành cho kinh doanh mà nó chan hòa trong tất cả mọi hoạt động của con người từ khi con người biết tính toán. Ví dụ: logistics cho Đại hội Đảng lần thứ XI không phải chỉ là vận chuyển đại biểu, lo hội trường, ăn ở, đi lại mà còn lo cả văn kiện, in ấn, truyền thông, xây dựng lòng tin, hy vọng , dự báo thời tiết và dự báo sự thành công của đại hội… Chính trị (politics) còn cần logistics hơn cả kinh doanh.

Cũng trong những bài học vỡ lòng tiếng Anh, thầy giáo hay đưa ra ví dụ: “Chỉ vì logistics, Lan không thể đi dự dạ hội tối nay”. Học trò tưởng thầy muốn nói Lan không có xe hay bị kẹt xe, nhưng thầy nói thêm: ”Nhà Lan không có khả năng sắm áo đầm dạ hội cho Lan”. À, té ra logistics còn có nghĩa là “nhà Lan nghèo”. Rồi thầy lại cho ví dụ nữa: ”Ở trường, Hùng là “trùm” trong logistics các bạn gái”. Cả lớp cười ồ vì Hùng chẳng có xe hơi hay xe gắn máy mà chỉ “quanh năm cuốc bộ”. Thầy nói tiếp: ”Hùng rất giỏi thuyết phục cha mẹ các bạn gái để các cụ tin mà cho phép đưa con gái họ đi chơi và đưa về nhà”. Logistics của Hùng là “tạo lòng tin”.

Một nhà báo như chúng tôi tất nhiên không phải là một nhà logistics, nhưng vì có nhiều bạn làm trong ngành vận tải hàng hóa mà códịp tìm hiểu logistics. Khi tôi đưa ra lý do này (hay vài chú thích bên dưới) để bạn đọc có thể chia sẻ nhiều hơn, có nghĩa là tôi đã áp dụng logistics cho bài báo ngắn nhưng không đơn giản của tôi.

Ai bảo tiếng Việt nghèo thuật ngữ? Chỉ chữ logistics thôi ta đã có cơ man từ Việt, nào là “tiếp vận”, “kho vận”, “quân tiếp vụ”, “hậu cần” và bây giờ trong Bộ luật Thương mại (điều 133) có ghi theo phiên âm: “Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stí”. Mấy ông bạn chúng tôi ở Công ty Sotrans (Kho vận miền Nam) nói đùa: lo-đi-một-tí. Nghe cũng dễ nhớ, mà như trên đã nói, “tí” hay ”nhiều” trong chữ logistics cũng không cần rõ ràng, nhất là thời kinh doanh hiện đại – kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường bền vững với phương châm: less is more (*).

Logistics vừa đơn giản, vừa phức tạp, vừa đếm, vừa không đếm được, vừa cổ điển, vừa hiện đại, thật là nhức đầu, vậy tốt nhất là quay trở lại “vừa học vừa làm”, với những bài học đầu tiên. “Hôm nay tôi… vẫn đi học”…

(*) “Less is more”, một câu thơ nổi tiếng của Nhà thơ Robert Browing viết từ năm 1855. Người Việt Nam chúng ta cũng hay nói: “Ăn ít no lâu”.